- Kiến trúc chùa Tây Phương có gì nổi bật?
- Cổng Tam quan Hạ
- Cổng Tam quan Thượng chùa Tây Phương
- Khu vực miếu Sơn thần (đền Đức Ông)
- Khu vực chùa Chính
- Khu vực nhà Tổ – nhà Mẫu tại chùa Tây Phương
- Nhà khách chùa Tây Phương Hà Nội
- Chiêm ngưỡng những pho tượng Phật đẹp tại chùa
- Tham gia lễ hội chùa Tây Phương
- Kinh nghiệm du lịch chùa Tây Phương Hà Nội
- Chùa Tây Phương ở đâu?
- Giá vé tham quan chùa Tây Phương Thạch Thất
- Đôi nét về lịch sử xây dựng chùa
- Lưu ý khi tham quan chùa Tây Phương
Chùa Tây Phương là một điểm đến du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương của huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngược về dòng lịch sử, chùa được coi là một trong những ngôi chùa lâu đời bậc nhất của Hà thành nói riêng và của cả nước nói chung. Không chỉ nổi bật bởi lối kiến trúc cổ kính, đã tồn tại qua hàng trăm năm, nơi đây hiện còn sở hữu nhiều pho tượng có giá trị về cả tâm linh lẫn nghệ thuật.
Hà Nội với lịch sử hàng ngàn năm văn hiến được biết đến là nơi tập trung vô số các ngôi chùa linh thiêng cổ kính, một trong số những cái tên nổi bật là chùa Tây Phương Thạch Thất. Đây có thể coi là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và có số lượng tượng phật nhiều nhất trong các ngôi chùa ở nước ta. Năm 2014, chùa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Kiến trúc chùa Tây Phương có gì nổi bật?
Mặc dù là một địa danh nổi tiếng ở ngoại ô của Thủ đô nhưng chùa vẫn chưa trải qua đợt trùng tu lớn nào nên vẫn giữ được những đường nét kiến trúc mộc mạc như vốn có. Hiện nay chùa là một quần thể các đơn nguyên bao gồm các hạng mục:
Cổng Tam quan Hạ
Cổng Tam quan Hạ của chùa – Ảnh: Quân Nguyễn Hữu
Cổng Tam Quan hạ chính là cổng ở dưới chân núi. Về kiến trúc, cổng có 4 trụ biểu trong đó 2 trụ giữa nhô cao, trên đỉnh có đắp tứ phượng chầu, phía dưới là ô lồng đèn, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đế thắt cổ bồng. Hai trụ bên có kết cấu tương tự, nhưng thay vì tứ phượng chầu, đỉnh trụ đắp búp sen, mặt trước khắc câu đối, còn 3 mặt còn lại để trống.
Cổng Tam quan Thượng chùa Tây Phương
Từ cổng Tam quan Hạ, du khách cần vượt qua 237 bậc đá ong để tới khu vực cổng tam quan thượng. Khá tương đồng cổng Hạ, cổng Thượng cũng được xây bằng gạch đá ong, gồm 4 cột. Trên đỉnh hai cột ngoài là hai búp sen, phía dưới có đấu vuông thót đáy.
Cổng Tam quan Thượng – Ảnh: Redsvn
Tiếp đến là một chỏm cong mui luyện đắp cờ nổi dạng “dạ cá” uốn cong ở đầu đao. Xuống nữa là lồng đèn vuông với những ô hộc khắc chìm sâu trong lòng cột. Mặt trước của hai cột này có câu đối. Còn đối với hai trụ lớn ở giữa thì đỉnh có thiết kế dạng đuôi phượng lá lật vuốt lên chụm vào nhau. Phần phía dưới được trang trí tương tự như hai cột bên.
Khu vực miếu Sơn thần (đền Đức Ông)
Ngôi miếu có 4 gian nhỏ và thấp nằm ngay bên trái chùa Tây Phương. Công trình xây dựng theo kiến trúc tiền đao hậu đốc, ngói lợp rì. Đây vừa là nơi thờ Sơn Thần, vừa là nơi thờ Đức Ông.
Khu vực chùa Chính
Đây là hạng mục trung tâm của quần thể chùa. Với kết cấu hình chữ Công, công trình bao gồm các tòa tiền Đường, Trung Đường và Thượng điện, hay thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Các tòa nhà tại khu vực này của chùa Tây Phương Thạch Thất được xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với tường xây hoàn toàn bằng gạch Bát Tràng nung đó, để trần không chát, điểm xuyết bằng các cửa sổ ô tròn.
Khu vực chính gồm 3 ngôi chùa nằm liền kề nhau – Ảnh: Quân Nguyễn Hữu
Mái các ngôi chùa đều có 2 lớp ngói, trong đó mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc. Xung quanh diềm mái cả ba tòa đều được trạm trổ theo hình lá triện cuốn rất tinh tế. Trên mái còn gắn nhiều linh vật bằng đất nung, các đầu đao trạm khắc với các họa tiết nổi như hình hoa lá, rồng phượng giàu tính dân tộc. Giữa các chùa với nhau được phân cách bằng các khoảng sân trời khá thoáng đãng.
Không gian bên trong chùa Trung – Ảnh: Báo Vnexpress
Khu vực nhà Tổ – nhà Mẫu tại chùa Tây Phương
Khu Nhà Tổ – nhà Mẫu này có thiết kế 3 gian 2 dĩ, kiến trúc theo kiểu chữ nhị, trong đó gian bên ngoài tổ, bên trong thờ mẫu. Các vì của nhà được xếp với nhau theo kiểu “vì kèo giá chiêng”. Ba gian giữa công trình được bưng cửa bức bàn, hai gian chái ở đầu hồi thì bưng bằng cửa ván đổ. Bộ vì nóc và cốn lại theo kết cấu “chồng rường”. Các con rồng được chạm khắc thành hoa lá, đao mác cách điệu trong khi các chiếc cổn thì được gọt dũa thành các yếu tổ trong bộ tứ bình là tùng, trúc, cúc, và mai với phong cách tương đồng với nghệ thuật của chùa chính.
Nhà khách chùa Tây Phương Hà Nội
Nhà khách là hạng mục mới được phục dựng tuy nhiên vẫn đảm bảo tuân thủ theo kiến trúc truyền thống và hài hòa với toàn bộ quần thể chùa. Công trình nằm bên phải của chùa chính, gồm có 7 gian với kết cấu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, hai hồi thoải dần theo hình tay ngai. Các bộ vì hiên có dáng dấp kèo kẻ, bào trơn đóng bén, các vì bên trong là kiểu “giá chiêng kẻ ngồi” còn hai vì hồi theo kiểu “ván mê đố lụa”.
Chiêm ngưỡng những pho tượng Phật đẹp tại chùa
Chùa không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và nghệ thuật điêu khắc đặc trưng cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê mà còn được coi là bảo tàng tượng Phật của nước ta. Chùa hiện đang trưng bày 64 pho tượng được chế tạo công phu, tinh xảo, có giá trị nghệ thuật điêu khắc vào loại bậc nhất, trong đó, những bức tượng bằng gỗ mít được sơn son thếp vàng. Các pho tượng nổi tiếng của chùa có thể kể đến như:
- Tượng Bát Bộ Kim Cương chùa Tây Phương: Có chiều cao chừng 3m với dáng vẻ trang nghiêm phúc hậu. Đây là tác phẩm thể hiện trình độ lắp ghép gỗ và sắp xếp bố cục rất điêu luyện.
- Tượng Tam Thế Phật: Gồm 3 pho tượng Quá khứ, Hiện tại và Vị lai, trong tư thế tọa thiền, y phục gấp nếp đơn giản phủ kín cơ thể. Bộ tượng được cho có niên đại từ thế kỷ 17.
Tượng Tam Thế Phật và các pho tượng khác tại khu vực chùa Thượng – Ảnh: Redsvn
- Tượng Tuyết Sơn chùa Tây Phương: Tái hiện dáng vẻ đức Phật Thích ca trong thời kỳ tu khổ hạnh. Tượng có màu đen thẫm, tay chân khẳng khiu, xương sườn giơ ra trước ngực, nét mặt chìm sâu vào suy tưởng, đôi mắt trũng sâu, khắc khổ.
- Tượng Đức Phật Di lặc: Vị Phật của miền Cực Lạc, cũng là tượng phật duy nhất toát ra nét vui tươi trong chùa. Người mập mạp, toàn thân ra sự thỏa mãn sung sướng.
Đặc biệt, bộ tượng 18 vị La Hán chùa Tây Phương, được coi là tác phẩm kinh điển của nền nghệ thuật cổ Việt Nam, có niên đại từ thế kỷ 18. Mỗi vị mang một nỗi khổ, một tư thế, một dáng vẻ khác nhau, qua đó phản ánh xã hội đương thời, một xã hội quằn quại đau khổ trong biến động, bế tắc.
Tượng của 2 trong 18 vị La Hán tại chùa – Ảnh: Báo Vnexpress
Đây cũng là nguồn cảm hứng cho nhà thơ Huy Cận trong bài thơ nổi tiếng của ông:
“Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương
Há chẳng phải đây là xứ phật
Mà sao ai nấy mặt đau thương?”
– Nhà thơ Huy Cận –
Tham gia lễ hội chùa Tây Phương
Lễ hội tại chùa thường diễn ra vào những tháng đầu năm âm lịch. Đây là dịp để không chỉ người dân địa phương mà cả du khách thập phương tới dâng hương hành lễ. 2 lễ hội chính tại chùa: Lễ sám hối (6/2 âm lịch) và Lễ hội chính (6/3 âm lịch).
Lễ sám hối chùa Tây Phương Thạch Thất là dịp để con người tự vấn bản thân rồi tự tha thứ cho những lỗi lầm của mình để cõi lòng được thanh thản. Trong những ngày này, người dân sẽ không sát sinh, một lòng thành kính dâng lên cõi Phật những nén hương, cây nến, trà, hoa quả,… những món chay đúng theo tinh thần của nhà chùa.
Vào thời gian diễn ra lễ hội, chùa sẽ được trang trí, dọn dẹp lại – Ảnh: Redsvn
Lễ hội chính sẽ diễn ra vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch hàng năm nhưng công tác chuẩn bị thường bắt đầu từ nhiều ngày trước đó. Phần lễ bao gồm các nghi thức tắm tượng, lễ cúng Phật và Chạy đàn. Phần hội là các sinh hoạt văn hóa mang đậm chất xứ Đoài như các trò chơi dân gian kéo co, đánh cờ vật, chọi gà, rối nước,…
Kinh nghiệm du lịch chùa Tây Phương Hà Nội
Chùa Tây Phương ở đâu?
- Chùa tọa lạc trên đỉnh Câu Lâu thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội
Chùa Tây. Do chỉ nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 45km về phía Tây nên việc di chuyển tới đây cũng khá thuận tiện.
Bạn có nhiều lựa chọn như đi bằng phương tiện công cộng như xe buýt hoặc đi bằng phương tiện cá nhân.
- Xe buýt: Tuyến xe 89 (Yên Nghĩa – Thạch Thất – Bến xe Sơn Tây) có điểm dừng cách chùa khoảng 2km. Giá vé: 9,000 đồng/vé
- Phương tiện cá nhân: Du khách có thể tham khảo lộ trình di chuyển đến chùa Tây Phương sau: Di chuyển theo hướng Trần Duy Hưng – Đại lộ Thăng Long, đến cầu vượt ngã tư Đại lộ Thăng Long với Thạch Thất, Quốc Oai thì rẽ trái vào Quốc Oai. Đi thêm 5km đến ngã tư Thạch Xá sẽ thấy biển chỉ dẫn tới chùa.
Giá vé tham quan chùa Tây Phương Thạch Thất
- Giá vé: 10.000 VNĐ (đối với cả du khách trong và ngoài nước)
- Giờ mở cửa: 6.00 – 17.30
Đôi nét về lịch sử xây dựng chùa
Chùa nay đã xuống cấp khá nghiêm trọng, cần tu sửa lại nhiều hạng mục – Ảnh: Báo Vnexpress
Tương truyền rằng chùa được xây dựng từ thời nhà Mạc và đã trải qua nhiều lần trùng tu vào thế kỉ XVI, XVII, XVIII. Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông, chùa dựng Thượng điện 3 gian, hậu cung hành làng 20 gian.
Giữa những năm 1657-1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc cho phá chùa Tây Phương cũ, xây chùa mới và cổng tam quan. Năm 1794, dưới thời Tây Sơn, chùa được đại tu hoàn toàn với lối kiến trúc được duy trì cho tới tận ngày nay.
Lưu ý khi tham quan chùa Tây Phương
- Ngôi cổ tự này là một chốn vô cùng thiêng liêng, vì vậy khi tới đây, để thể hiện lòng thành kính, tôn trọng đối với Đức Phật, bạn không nên mặc đồ quá ngắn, quá phản cảm…
- Nếu có thể, bạn nên chuẩn bị sẵn đồ cúng lễ từ trước. Còn nếu mua đồ lễ lại các sạp hàng tại chùa thì cần tham khảo giá cả thật kỹ trước khi mua hàng hay sử dụng bất kì một dịch vụ nào (ăn uống, gửi xe, mua lễ dâng Phật,…)
- Du khách đi chùa Tây Phương Hà Nội vào mùa lễ hội, nên chú ý bảo quản hành lý và đồ đạc cá nhân thật cẩn thận. Những vật dụng có giá trị như tiền bạc, giấy tờ, điện thoại,… nên cất kỹ để tránh việc tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng.
- Nếu thấy ai ngỏ ý muốn xách đồ cho bạn, tuyệt đối đừng đồng ý vì sau đó, họ sẽ đòi bạn “phí” giữ đồ hộ. Bạn mà không đồng ý trả “phí”, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ nhận lại được đồ của mình.
Trên đây là những miêu tả chi tiết về chùa Tây Phương và những kinh nghiệm khi tới tham quan địa điểm du lịch này. Nếu có dịp đến với mảnh đất Thạch Thất – Hà Nội, bạn hãy sắp xếp thời gian ghé qua để tham quan ngôi chùa cổ kính này nhé!
Đăng bởi: Quý Phạm
YOLO! Khám phá các quận/huyện ở Hà Nội
- Ba Đình
- Ba Vì
- Bắc Từ Liêm
- Cầu Giấy
- Chương Mỹ
- Đan Phượng
- Đông Anh
- Đống Đa
- Gia Lâm
- Hà Đông
- Hai Bà Trưng
- Hoài Đức
- Hoàn Kiếm
- Hoàng Mai
- Long Biên
- Mê Linh
- Mỹ Đức
- Nam Từ Liêm
- Phú Xuyên
- Phúc Thọ
- Quốc Oai
- Sóc Sơn
- Sơn Tây
- Tây Hồ
- Thạch Thất
- Thanh Oai
- Thanh Trì
- Thanh Xuân
- Thường Tín
- Ứng Hòa