- Địa chỉ chùa Khai Nguyên ở đâu?
- Lịch sử chùa Khai Nguyên Sơn Tây
- Khám phá chùa Khai Nguyên ở Sơn Tây Hà Nội
- Kiến trúc chùa Khai Nguyên ở Hà Nội
- Chiêm bái pho tượng Phật khổng lồ ở chùa Khai Nguyên
- Tham gia các hoạt động tại chùa Khai Nguyên
- Kinh nghiệm đi chùa Khai Nguyên ở Hà Nội
- Lưu ý khi tham quan chùa
- Đặc sản nên thử ở gần chùa Khai Nguyên
- Bánh sữa, sữa chua Ba Vì
- Thưởng thức bánh tẻ gần chùa Khai Nguyên
- Chè lam Sơn Tây
- Địa điểm tham quan nổi tiếng gần chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên ở Sơn Tây Hà Nội với lối kiến trúc độc đáo cùng quy mô hoành tráng hứa hẹn là một điểm đến không thể bỏ lỡ với các du khách tới xứ Đoài. Không chỉ là một nơi để mọi người tới vãn cảnh và cầu phúc, đây còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động Phật Giáo có ý nghĩa.
Nằm giữa một vùng quê yên ả trù phú thị xã Sơn Tây, chùa Khai Nguyên được nhiều người biết đến là một ngôi chùa có quy mô bề thế nơi có bức tượng phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á. Chùa chính là một điểm đến tâm linh thu hút nhiều Phật tử gần xa, một điểm nhấn của du lịch Sơn Tây khi liên kết với các điểm đến lân cận.
Địa chỉ chùa Khai Nguyên ở đâu?
- Chùa nằm tại tại thôn Ninh Tây, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội 44km về phía tây.
Để tới chùa, bạn có thể lựa chọn nhiều hướng di chuyển khác nhau, nhưng cung đường phổ biến nhất mà người dân Thủ đô vẫn thường lựa chọn vẫn là cung đường Quốc lộ 32 hoặc cùng đường đại lộ Thăng Long. Cả hai cung đường đều rộng rãi, bằng phẳng, phù hợp cho cả xe máy lẫn ô tô. Bạn có thể xem chi tiết hướng dẫn di chuyển đến chùa Khai Nguyên Sơn Đông Sơn Tây Hà Nội trên Google Maps.
Toàn cảnh chùa khi nhìn từ trên cao – Ảnh/Page: chuakhainguyensontay
Bên cạnh đó, nếu muốn di chuyển bằng phương tiện công cộng thì có thể tham khảo tuyến buýt 74 xuất phát từ bến xe Mỹ Đình và đưa bạn đến điểm dừng gần chùa nhất. Giá vé mỗi chuyến 9,000 VND/lượt, tần suất di chuyển khoảng 30 phút/chuyến.
Lịch sử chùa Khai Nguyên Sơn Tây
Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 16, với tên gọi lúc bấy giờ là Cổ Liêu Tự. Trong thời gian tồn tại hàng trăm năm, chùa được di dời đi nhiều địa điểm.
Đến năm 2003, đại đức Thích Đạo Thịnh được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Khai Nguyên, ông đã yêu cầu UBND xã được chuyển chùa về vị trí của cổ tự ban đầu (tức trước cửa đền Trung như ngày nay) và làm đề án xin các cấp chính quyền thành phố cho phép mở rộng và trùng tu lại nơi này. Năm 2006, đề án mới được chấp nhận và tiến hành xây dựng lại.
Sau gần 2 thập kỉ, mặc dù quá trình trùng tu xây dựng vẫn chưa hoàn thiện triệt để nhưng chùa đã thay đổi với một quy mô rộng lớn và một lối kiến trúc mới, giao thoa hài hòa giữa cổ và kim.
Hiện tại ngôi chùa vẫn còn đang tiếp tục xây dựng – Ảnh/Page: chuakhainguyensontay
Khám phá chùa Khai Nguyên ở Sơn Tây Hà Nội
So với hầu hết các ngôi chùa khác tại miền Bắc, chùa dù không quá rêu phong cổ kính nhưng nơi đây vẫn mang đến cảm giác thanh tịnh và trang nghiêm cần có. Tại chùa cũng có rất nhiều tiểu cảnh đẹp để phục vụ cho nhu cầu check-in chụp ảnh của du khách. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Khai Nguyên còn có khu vườn nhỏ dành cho trẻ em vui chơi. Vào những dịp đặc biệt lễ – tết đặc biệt, nơi đây đều được trang trí lộng lẫy để chào đón hàng ngàn vị khách tới tham quan & chiêm bái.
Kiến trúc chùa Khai Nguyên ở Hà Nội
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”, các gian thờ chính được bố trí theo kiểu “tiền phật hậu tổ”, kết hợp cùng các công trình phụ trợ như: Tăng đường, Tả vu – Hữu vu, tháp Báo ân, Gác chuông, Gác trống.
Phía trước chùa là một hồ nước lớn hình chữ nhật, quanh năm nước xanh màu ngọc bích, giữa hồ có lầu gác mô phỏng hình dáng chùa Một Cột. Đây cũng là nơi thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, tại đó có bộ kinh Địa Tạng rất trân quý, thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử.
Khung cảnh hồ nước ở trước chùa – Ảnh/Page: chuakhainguyensontay
Chính điện chùa Khai Nguyên là một dãy nhà 2 tầng với tổng diện tích lên đến 400 m2. Nổi bật trong chính điện chính là tôn tượng Tây Phương Tam Thánh cao gần 10m, trang nghiêm sừng sững như đang ngày đêm trải hết lòng từ để cứu rỗi chúng sinh, mong cho tất cả chúng sinh được phá mê khai ngộ đều được an vui hạnh phúc.
Tòa Chánh điện của chùa – Ảnh: Bông Bếch Travel
Đối diện với chính điện là Động Quan Âm, tương truyền là nơi Phật Bà đã tu hành và truyền đạo cho Tam Vị tối linh thần Thánh Tản Sơn. Nằm về phía bên phải chính điện là dãy nhà Tăng 1 tầng mái ngói, rộng khoảng 250 m2. Đi về phía sau chính điện chùa Khai Nguyên Sơn Tây, bạn sẽ bắt gặp biển non bộ “Thần Kim Quy Hai Đầu Bái Phật Cầu Kinh” , một kiệt tác được thiên nhiên ban tặng cho Khai Nguyên tự.
Trên đường đi vào nội viện chùa, du khách sẽ bắt gặp ngay giếng Rồng. Tương truyền, chiếc giếng này năm xưa chính là nguồn nước ngọt đã cứu giúp người dân nơi đây qua khỏi đợt hạn hán kinh hoàng. Chính vì vậy, cứ mỗi dịp có cơ hội ghé thăm chùa, người dân Sơn Đông đều xin nước giếng về thanh tẩy nhà cửa và cũng để cầu may.
Khung cảnh bên trong Chánh điện chùa – Ảnh: Thành Nguyễn viết
Đi qua Giếng Rồng chùa Khai Nguyên sẽ tới suối Quan Âm. Được biết, con suối này có đầu nguồn từ đỉnh núi Mẹ và một phần dòng chảy xuất phát từ sườn núi Chàng Rể. Sự có mặt của con suối trong khuôn viên chùa như một sự nhắc nhở mỗi du khách về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc.
Khu vực nội Viện chùa có diện tích rộng lớn lên đến 6ha, đây là nơi người dân thành phố tới để tham gia các khóa tu vào mỗi dịp hè.
Chiêm bái pho tượng Phật khổng lồ ở chùa Khai Nguyên
Điểm nhấn đặc sắc tại chùa chính là bức tượng A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á, cao 72m, diện tích bệ tượng lên tới 1200m2 được khởi công xây dựng từ năm 2015. Hiện bức tượng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, bức tượng có kết cấu chắc chắn và được tạo tác vô cùng tinh xảo với hình tượng Đức Phật uy nghiêm trong tư thế kiết già, gương mặt Ngài toát lên vẻ từ bi, trí tuệ.
Pho tượng Phật khổng lồ tại chùa – Ảnh/Page: chuakhainguyensontay
Trên tay trái của tượng Phật chùa Khai Nguyên này là 1 đóa sen hồng đang chớm nở, tay phải Ngài ở tư thế giáo hóa thủ ấn. Giữa hai lòng bàn tay của Đức Phật đều có hình bánh xe pháp luân đắp nổi, thể hiện hàm ý sâu xa của phật giáo. Riêng phần đế là bông sen khổng lồ với 3 lớp gồm có 56 cánh hoa. Pho tượng thể hiện đầy đủ các nét đặc trưng của văn hóa phật giáo Việt nam. Thông điệp của bức đại tượng là “Vì hòa bình thế giới, cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, phật pháp hưng long.”
Đại tượng chùa Khai Nguyên Sơn Đông Sơn Tây Hà Nội được thiết kế gồm 16 tầng với chiều cao 72m, trong đó có 12 tầng được thiết kế đặc biệt có thang máy, thang bộ. Mỗi tầng được trang trí 1 phong cách thờ phụng riêng. Đặc biệt, tầng 12 được an trí và tôn thờ trái tim của Đức Phật, được tạc bằng chất liệu ngọc bích nguyên khối vận chuyển từ Canada với trọng lượng lên tới hơn 1 tấn. Đây chính là một trong những kiệt tác linh thiêng và đáng chú ý nhất của đại tượng.
Dưới tầng hầm của pho đại tượng này tại chùa Khai Nguyêncó khu vực mô phỏng 18 tầng địa ngục nhằm truyền tải ý nghĩa của lục đạo luân hồi, giúp phật tử hiểu nhiều về luật nhân quả để tu thân tích đức.
- Ngoài bức đại tượng, chùa còn thu hút du khách bởi hệ thống 1975 các tượng Phật lớn nhỏ khác nhau trong gian tam bảo, tạo nên hình thái kiến trúc độc đáo.
Tham gia các hoạt động tại chùa Khai Nguyên
Khung cảnh một lễ hội diễn ra tại chùa – Ảnh: Diệu Âm
Chùa là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo như: Đại lễ Phật đản, pháp hội Quan Ân, pháp hội Trung Phong, lễ Vu Lan Báo Hiếu… Ngoài ra, các khóa tu hè dành cho các bạn học sinh, sinh viên cũng thu hút rất nhiều Phật tử mỗi năm. Thông thường, các khóa sẽ kéo dài khoảng 1 tháng, các bạn học sinh sẽ dành toàn bộ thời gian để sinh hoạt và thực hiện các nghi lễ tại chùa Khai Nguyên Sơn Tây.
Qua các bài học tại chùa hy vọng các bạn trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều kĩ năng hữu ích, biết trân trọng cuộc sống, yêu thương gia đình bạn bè và những người xung quanh. Hầu hết các bạn sau khi kết thúc khóa học đều háo hức được trở lại đây vào năm sau. Không những vậy, chùa còn là nơi cung cấp các thang thuốc tới từ các bài thuốc nam bí truyền có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh về gan, mật, dạ,…
Kinh nghiệm đi chùa Khai Nguyên ở Hà Nội
Lưu ý khi tham quan chùa
- Không mặc trang phục thiếu nghiêm túc như áo hai dây, quần đùi, váy trên đầu gối…
- Không nói tục chửi bậy
- Giữ gìn cảnh quan chung
- Không đặt tiền vào tượng phật, thay vào đó hãy bỏ tiền vào hòm công đức
Đặc sản nên thử ở gần chùa Khai Nguyên
Bánh sữa, sữa chua Ba Vì
Dọc con đường đến chùa sẽ có rất nhiều các cửa hàng bán sữa chua, bánh sữa. Đây đều là những đặc sản được chế biến từ sữa tươi của các trang trại bò sữa và dê nuôi tại Ba Vì. Hương vị của sữa chua và bánh sữa Ba Vì thơm và đặc trưng hơn nhiều so với những loại sữa chua phổ biến bán tại các siêu thị hay tiệm tạp hóa. Hơn nữa các sản phẩm này đều được đóng gói cẩn thận nên tiện mua về làm quà.
Thưởng thức bánh tẻ gần chùa Khai Nguyên
Bánh tẻ là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Sơn Tây. Loại bánh này có dáng dài thương được gói trong lá dong, nhân mộc nhĩ, thịt ba chỉ, vỏ làm từ bột gạo tẻ. Món ăn này phù hợp để ăn sáng và cả ăn bữa chính. Bánh tẻ ngon nhất là chấm với nước mắm ớt. Ngoài ra bánh tẻ ăn với tương ớt cũng rất ngon.
Chè lam Sơn Tây
Chè Lam là đặc sản của Thạch Thất nhưng lại được bày bán khá nhiều ở khu vực Sơn Tây do hai địa phương giáp ranh nhau. Chè lam được làm từ gạo nếp được phủ ngoài bằng một lớp bột gạo. Một miếng chè lam thường có kích thước khoảng hai ngón tay, màu nâu vàng từ mật mía, vị dẻo dẻo, bùi bùi và cay nồng của gừng. Chè lam thưởng thức cùng trà xanh là tuyệt vời nhất. Đặc biệt chè lam Thạch Thất làm không bị ngọt gắt nên ai cũng thích ăn.
Địa điểm tham quan nổi tiếng gần chùa Khai Nguyên
- Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam
- Thành cổ Sơn Tây
- Biệt thự Phan Thị
- Làng cổ Đường Lâm
- Đền Và
- Chùa Mía
- Vườn quốc gia Ba Vì
Chùa Khai Nguyên là một địa điểm thú vị và đáng thử cho các du khách đến thăm Hà Nội nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng. Với lối kiến trúc độc đáo cùng những giá trị văn hóa to lớn, chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị tại nơi này. Dulich3mien xin được chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ và đáng nhớ nhé!
Đăng bởi: Hạnh Huỳnh Thị Mỹ
YOLO! Khám phá các huyện ở Tuyên Quang
- Chiêm Hóa
- Hàm Yên
- Lâm Bình
- Na Hang
- Sơn Dương
- Tuyên Quang
- Yên Sơn