- Quần thể kiến trúc nhà Tây nằm ở đâu?
- Quần thể kiến trúc nhà Tây gồm những công trình nào?
- Quần thể kiến trúc nhà Tây có gì đặc biệt?
- Lịch sử lâu đời
- Kiến trúc độc đáo
- Khai thác triệt để các yếu tố thiên nhiên
- Kết hợp hiện đại và truyền thống
Quần thể kiến trúc nhà Tây là điểm đến hấp dẫn với nhiều dinh thự, biệt thự xây theo kiến trúc phương Tây mà nổi tiếng nhất là công trình nhà công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
Quần thể kiến trúc nhà Tây nằm ở đâu?
Vị trí: phường 3, cạnh bờ sông Bạc Liêu, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Hiện nay, các công trình thuộc quần thể nhà Tây còn khoảng gần các dinh thự, biệt thự lớn nhỏ và nằm tập trung ở hai bên bờ sông thuộc thành phố Bạc Liêu. Từ khi các công trình được hoàn thành đến nay đã trở thành một di sản có giá trị văn hóa – kiến trúc, là vốn quý về mặt tinh thần, trở thành niềm tự hào của người dân Bạc Liêu.
Du lịch Bạc Liêu có nhiều điểm đến thú vị. Ảnh: Deha law
Nếu như Cần Thơ có nhà cổ Bình Thủy, Đồng Tháp có nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, thì Bạc Liêu lại lưu giữ được rất nhiều biệt thự, nhà kiểu xưa xây theo kiến trúc phương Tây. Được biết đến nhiều nhất và nổi tiếng nhất trong quần thể nhà Tây chính là tòa nhà của công tử Bạc Liêu nằm dọc bờ sông ở vị trí nổi bật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình khác cũng đặc biệt và độc đáo không kém. Đó là những tòa dinh thự và công sở vững chãi – trang nghiêm bao gồm tòa Hành chánh, tòa án, dinh bố (còn được gọi là nhà thự quan chủ tỉnh), nhà huyện Sỏn, nhà hội đồng Trạch,…
Kiến trúc đẹp tại Bạc Liêu. Ảnh: Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như
Quần thể kiến trúc nhà Tây gồm những công trình nào?
Cùng với Cần Thơ, Sa Đéc và Mỹ Tho, Bạc Liêu có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng thuở xưa. Thậm chí nhiều ý kiến thời đó còn cho rằng Bạc Liêu sẽ nhanh chóng trở thành “thành phố lớn bậc nhất của Nam kỳ, chỉ sau Sài Gòn”. Có lẽ chính vì vậy mà từ khi thành lập tỉnh vào năm 1882, để xây cất dinh thự, công sở làm việc người ta đã tiêu tốn khá nhiều tiền.
Kết quả kiểm kê của Bảo tàng Bạc Liêu cho thấy hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 21 ngôi nhà cổ được đưa vào danh sách bảo tồn. Và khu phố cổ – nơi tập trung nhiều công trình thì đang trong giai đoạn khảo sát và đánh giá. Điều đang chú ý là hầu hết các căn nhà cổ ở Bạc Liêu đều được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc Tây ta kết hợp theo giai đoạn 1880 đến 1920 cùng với giai đoạn từ 1920 đến 1945. Cụ thể hơn, kiến trúc của các loại nhà cổ ở vùng đất có tháp cổ Vĩnh Hưng, cánh đồng điện gió, chùa Ghositaram,… đều tuân theo phong cách Pháp nhưng vẫn pha trộn hài hòa các kiểu kiến trúc truyền thống khác như Hoa, Việt. Một điểm ấn tượng khác là các công trình ở đây cũng được chăm chút sao cho phù hợp với điều kiện đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng ở mảnh đất nằm cuối trời Tổ Quốc.
Quảng trường Cao Văn Lầu. Ảnh: Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như
Những công trình tiêu biểu thuộc quần thể kiến trúc nhà Tây, ngày nay cũng đồng thời là địa điểm du lịch Bạc Liêu nổi tiếng như Tòa bố Pháp (ngày nay là trụ sở Nhà thiếu nhi và Hội Cựu TNXP), Tòa Tham biện Pháp (ngày nay là Hội Văn học nghệ thuật tỉnh),… Một số công trình biệt thự, nhà cao cấp khác lại là tài sản của các địa chủ, điền chủ, tư sản ngày xưa, xây cất theo lối kiến trúc phương Tây nằm dọc dài theo bờ sông Bạc Liêu xếp theo từng mốc thời gian như:
– Nhà Ông Vưu Tụng (còn gọi là Huyện Sổn) xây năm 1906
– Nhà công tử Bạc Liêu xây dựng năm 1919
– Nhà Ông Trương Xuân xây vào đầu thế kỷ XX.
– Nhà Ông Võ Văn Giỏi (ngày nay là Thư viện tỉnh) xây năm 1930.
Ngoài ra cũng có một vài căn nhà Tây nhưng mang nhiều nét Á Đông như:
– Nhà Ông Cao Triều Chánh (ngày nay là trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũ) xây dựng năm 1930.
– Nhà Bà Chung Tố Anh xây dựng năm 1913.
– Nhà Ông Cao Triều Phát (ngày nay là Trung tâm Y học dự phòng thành phố Bạc Liêu) xây vào năm 1938.
– Nhà Ông Cao Triều Trực (ngày nay là Phòng Y tế thành phố Bạc Liêu) hoàn thành năm 1925, đặc biệt là nơi này có phủ thờ dòng họ Cao vang tiếng một thời được xây năm 1879.
– Nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là nơi làm việc của Tòa soạn Báo Bạc Liêu) xây dựng trước 1945.
– Nhà Chánh Tòa (nay là nơi sinh hoạt của CLB hưu trí) xây dựng năm 1910.
– Ngôi nhà của Ông Trần Văn Chương, thân phụ của Bà Trần Lệ Xuân.
Hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 21 ngôi nhà cổ. Ảnh: khamphadisan
Quần thể kiến trúc nhà Tây có gì đặc biệt?
Lịch sử lâu đời
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều công trình cổ kính với bề dày lịch sử không thua kém gì so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác như Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ,… Những ngôi nhà ở đây hầu hết được xây dựng vào khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Đó là nhà Hội đồng Phến (1910), Chánh Tòa (1910), nhà Hội đồng Trạch (1919), nhà Ông Võ Văn Giỏi (1930), nhà Ông Cao Triều Phát (1938), nhà luật sư Lý Bình Huê (trước 1945),…
Hầu hết được xây dựng vào khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ảnh: Riviu @leekhoa
Đa số chủ nhân của những ngôi nhà cổ này thuộc lớp trí thức theo “Tây học” nên họ không quá câu nệ những chi tiết, những mô phỏng cổ và thích xếp đặt, bài trí nội thất các công trình thoe lối mới, khác biệt hơn xưa, nhất là khu vực sân thượng, ban công. Cách bố trí và xếp đặt phòng khách, phòng ngủ hay nhà ăn, nhà bếp cũng được chú ý. Và một số nơi còn xây dựng thêm hồ nước tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho ngôi nhà.
Điểm check in xịn xò ở Bạc Liêu. Ảnh: Thế giới du lịch
Qua bao biến thiên của thời cuộc, đến tận ngày nay, những nét đường bệ, cổ kính của quần thể kiến trúc nhà Tây vẫn còn đó như chứng nhân của lịch sử và là minh chứng cho sự phồn vinh của xứ Bạc Liêu một thời – nơi nổi danh là vùng đất nhiều sản vật, lúa gạo bậc nhất Nam kỳ.
Kiến trúc độc đáo
Hầu hết các ngôi nhà Tây, bao gồm nhà công tử Bạc Liêu đều tuân theo kiến trúc chung của những năm đầu thế kỷ 20. Mỗi nhà đều có phần gian chính được chăm chút, trang trí bởi nhiều đồ nội thất hiện đại kết hợp truyền thống giữa một không gian thoáng đãng. Khu vực trước nhà thường đối xứng nhau, phần mái lợp bằng ngói hình và có hình bát giác. Bên trong nhà có vòm trần cao vút những hành lang rộng, phía trên trần có các xà nối ngang như chùa ngày xưa, thậm chí có nét tương đồng với cấu trúc ở chùa Vĩnh Tràng trăm năm tuổi ở Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hay nhà cổ Tân An.
Kiến trúc Đông Tây kết hợp ở nhiều ngôi nhà trong kiến trúc nhà tây. Ảnh: nucuoimekong
Đến bây giờ người ta vẫn không biết chính xác những ngôi nhà này tiêu tốn bao nhiêu tiền của nhưng có một điều chắc chắn là toàn bộ vật liệu xây dựng nên công trình độc đáo này đều được chuyên chở từ Pháp qua. Từng cây thép đúc, từng cánh cửa, mỗi lát đá cẩm thạch, gạch lát nền, gạch xây… đều có xuất xứ từ Pháp. Tất cả những điều này đã tạo nên điều đặc biệt cho quần thể kiến trúc này, mang lại cho du lịch Bạc Liêu một dấu ấn riêng hiếm nơi nào có được.
Hành lang mang hơi thở văn hóa cổ xưa ở nhà công tử Bạc Liêu. Ảnh: nucuoimekong
Khai thác triệt để các yếu tố thiên nhiên
Ngoài kiến trúc hài hòa giữa truyền thống – hiện đại và dùng vật liệu xây dựng đắt đỏ, các kiến trúc sư người Pháp và người Việt lúc bấy giờ khi xây các công trình thuộc quần thể kiến trúc nhà Tây đã biết khai thác triệt để các yếu tố thiên nhiên để tạo nên khung cảnh thật thơ mộng nhưng hài hòa cho ngôi nhà. Thật vậy, hầu như các ngôi nhà Tây xưa đều có không gian khoáng đãng với đủ các yếu tố như cây xanh, ánh nắng, hướng gió thuận tiện, nhiệt độ ôn hòa, không gian mát mẻ nên dù là mùa nào người ta cũng cảm thấy thoáng mát, dễ chịu, đặc biệt là khắc phục được cái oi bức mùa hè Nam Bộ. Những ngôi biệt thự hay nhà cổ ở vùng đất này dù lớn hay nhỏ thì ít nhất phải có trên vài chục cửa sổ, cửa ra vào vừa để thoáng khí vừa để điều hòa nhiệt độ.
Công trình tiêu biểu thuộc kiến trúc nhà Tây. Ảnh: Cộng đồng Travelers Việt Nam
Kết hợp hiện đại và truyền thống
Ngoài những yếu tố đặc biệt trên thì điểm đặc sắc của các dinh thự, nhà cổ Bạc Liêu còn nằm ở chỗ kết hợp hài hòa vẻ đẹp hiện đại và truyền thống khiến các công trình này vừa tây, vừa ta. Thật vậy, quần thể kiến trúc nhà Tây Bạc Liêu vừa có nét đường bệ của phần nền đúc cao, tường quét vôi vàng đặc trưng kiểu Tây vừa mang đậm đường nét của kiến trúc Hoa thường thấy trong đình, chùa xưa với 3 gian, 2 chái và lại được cải tiến thêm với bộ trường kỷ tiếp khách đặt ở sảnh giữa nhà.
Một trong ba ngôi nhà cổ lưu giữ nét văn hóa thời điền chủ, bá hộ. Ảnh: thamhiemmekong
Bên cạnh đó cũng không thiếu chiếc hương án, vào bức bình phong bằng gỗ cẩm lai hay lim đen. Những hành lang, vòm trần cao vút, các hoa văn điểm xuyết trên vòm trần một số ngôi nhà đến nay vẫn còn giữa nguyên vẻ tinh xảo với màu sắc tươi tắn nguyên bản. Tất cả những điều trên đã góp phần tạo dựng nên vẻ đẹp nhà Tây độc đáo, làm cho quần thể kiến trúc nhà xưa Bạc Liêu mang một sắc thái vô cùng khác biệt với những ngôi nhà cổ khác ở Sài Gòn, Hà Nội hay thậm chí là các tỉnh miền Tây lân cận.
Nhà công tử Bạc Liêu. Ảnh: dulichvietnam
Có thể nói rằng thông qua những nét kiến trúc, nội thất,kết cấu, hoa văn và họa tiết, không gian sân vườn,… của những ngôi nhà cổ Bạc Liêu, du khách sẽ cảm nhận được các giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn liền với một thời kỳ lịch sử của nước ta. Vì vậy nếu có dịp hãy dừng chân ở Bạc Liêu thì dừng bỏ lỡ cơ hội tham quan quần thể kiến trúc đặc biệt này để có thêm nhiều kinh nghiệm du lịch miền Tây, bạn nhé.
Thanh (Tổng hợp) – luhanhVietNam.com.vn
Ảnh: Internet
Đăng bởi: Đỗ Thị Quỳnh
YOLO! Khám phá các huyện ở Bạc Liêu
- Bạc Liêu
- Đông Hải
- Giá Rai
- Hòa Bình
- Hồng Dân
- Phước Long
- Vĩnh Lợi