- 1. Thông tin tổng quan về Pháp viện Minh Đăng Quang
- 2. Trải nghiệm khám phá các hoạt động du lịch thú vị tại Pháp viện Minh Đăng Quang
- 2.1. Chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc tráng lệ
- 2.2. Ghé thăm cây bồ đề quý chiết từ cội bồ đề trên 2000 năm tuổi ở khuôn viên
- 2.3. Các ngày lễ và hoạt động diễn ra ở pháp viện Minh Đăng Quang
- 2.4. Nhà hàng chay
- 3. Những lưu ý khi du khách ghé thăm pháp viện Minh Đăng Quang
- 4. Gợi ý những địa điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh sở hữu rất nhiều công trình kiến trúc tôn giáo ấn tượng. Một trong những cái tên nổi bật nhất chắc chắn không thể không nhắc đến pháp viện Minh Đăng Quang – quần thể kiến trúc Phật giáo đại diện cho hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ ở Việt Nam.
Pháp viện Minh Đăng Quang là một trong những quần thể kiến trúc Phật giáo ấn tượng nhất tại Sài thành. Nơi đây mỗi năm đều đón tiếp rất đông người dân, du khách và các Phật tử bốn phương ghé thăm chiêm bái, cầu an và tham quan chiêm ngưỡng công trình tôn giáo tráng lệ đại diện cho hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ.
1. Thông tin tổng quan về Pháp viện Minh Đăng Quang
Pháp viện Minh Đăng Quang tọa lạc ở số 505 đường Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Pháp viện được sáng lập vào năm 1968 bởi Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên – đệ nhất Trưởng Giáo Đoàn IV hệ phái Khất sĩ. Hệ phái Khất sĩ ra đời năm 1944 tại khu vực Nam bộ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập.
Pháp viện không chỉ đơn thuần là một ngôi chùa dành cho các hoạt động chiêm bái, cầu an còn là nơi chuyên đào tạo về Phật pháp.
Pháp viện Minh Đăng Quang là công trình tôn giáo tráng lệ đại diện cho hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ. Ảnh: yotamkeidar
Ban đầu, pháp viện chỉ là ngôi chánh điện nhỏ được xây cất tạm. Đến đầu năm 2009, công trình được tiến hành xây dựng lại với quy mô vô cùng hoành tráng. Toàn bộ công trình được xây dựng trên nền diện tích lên tới 62.000 m2 và bao gồm nhiều hạng mục ấn tượng như khu chánh điện, hệ thống 4 bảo tháp…
Toàn bộ công trình được xây dựng trên nền diện tích lên tới 62.000 m2 bao gồm nhiều hạng mục kiến trúc ấn tượng. Ảnh: chillyt4
Vào tháng 5/2019, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã xác lập 4 kỷ lục tại Pháp viện Minh Đăng Quang Sài Gòn gồm:
– Ngôi tịnh xá có bốn bảo tháp lớn nhất Việt Nam.
– Bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất.
– Nơi tổ chức Đại lễ kỷ niệm 60 năm Đức tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lớn nhất.
– Nơi diễn ra Lễ khất thực cổ Phật lớn nhất.
Pháp viện là điểm dừng chiêm bái, cầu an của người dân, du khách và Phật tử bốn phương. Ảnh: meismei_
Hiện nay, pháp viện còn được biết đến như một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất tại TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây mỗi năm đều đón tiếp rất đông người dân, du khách và Phật tử bốn phương ghé thăm chiêm bái, cầu an, dự lễ và trải nghiệm tham quan, khám phá các công trình kiến trúc danh tiếng đại diện cho hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ.
Tham quan chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc Phật giáo tráng lệ. Ảnh: bazantravel
2. Trải nghiệm khám phá các hoạt động du lịch thú vị tại Pháp viện Minh Đăng Quang
2.1. Chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc tráng lệ
Toàn bộ các công trình chính, phụ tại pháp viện Minh Đăng Quang được xây dựng trong khuôn viên rộng lớn lên đến 62.000 m2. Công trình chính tọa lạc ở vị trí trung tâm có bề ngang 40m, dài 70m và cao 3 tầng. Tầng trên là ngôi chánh điện bát giác truyền thống đường kính 32m, khu chính giữa thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tầng dưới là thiền đường rộng 24m, dài 50m. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế niết bàn và phía dưới là giảng đường rộng 40m, dài 50m.
Vẻ đẹp kiến trúc mang dấu ấn đặc trưng của hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ. Ảnh: dasha_kiss_lova
Các chi tiết bên trong chánh điện thiết kế chủ yếu bằng gỗ và được điêu khắc hoa văn tinh xảo. Vị trí trung tâm là một bảo tháp bằng gỗ cao 13m, bên trong thờ tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 7.2m và nặng 7.2 tấn. Công trình ấn tượng này được công nhận kỷ lục là ngôi tịnh xá có bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất Việt Nam.
Pháp viện Minh Đăng Quang là công trình tôn giáo giữ đến 4 kỷ lục Việt Nam. Ảnh: druxy.aries
Điểm nhấn trong quần thể kiến trúc pháp viện Minh Đăng Quang chính là 4 công trình bảo pháp vô cùng uy nghi, tráng lệ giữ kỷ lục “Bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất”. Từ cổng tam quan đi vào là hai bảo tháp 9 tầng, cao 37m, bên phải là bảo tháp Ca Diếp và phía trái là bảo tháp Xá Lợi. Hai bảo tháp Ca Diếp và Xá Lợi có thiết kế giống nhau, đối xứng hai bên. Tháp Ca Diếp là nơi tôn trí thờ các vị Phật và người sáng lập hệ phái Khất sĩ, còn tháp Xá Lợi hiện đang hoạt động như một thư viện lưu trữ các tài liệu Phật giáo, kinh pháp…
Hai tháp ở phía sau có hình tứ giác, gồm 13 tầng, cao 49m, được sử dụng làm nơi thờ linh cốt của chư Tăng và Phật tử.
Công trình bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện là điểm nhấn kiến trúc đặc sắc tại pháp viện Minh Đăng Quang. Ảnh: haiyendinh
Ngoài ra, xung quanh khu vực khuôn viên pháp viện là những biệt thất tịnh tu của chư tăng, thư viện, khu tăng đường và khu sinh hoạt của Phật tử. Toàn bộ công trình ở pháp viện Minh Đăng Quang Sài Gòn đều nổi bật với vẻ đẹp kiến trúc Phật giáo đặc trưng của hệ phái Khất sĩ miền Nam Bộ oai nghiêm, tráng lệ.
Khu thiền đường rộng lớn của pháp viện. Ảnh: vinpearl
2.2. Ghé thăm cây bồ đề quý chiết từ cội bồ đề trên 2000 năm tuổi ở khuôn viên
Cây bồ đề ở pháp viện Minh Đăng Quang là món quà quý mà Hòa thượng Phó Tăng Thống đại hiệu A.Wajirajothi Maha Thera đã kính tặng Giáo hội Việt Nam nhân dịp đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ Sư vắng bóng.
Cây bồ đề chiết từ cội bồ đề ở Sri Lanka trên 2000 năm tuổi và được trồng ở khuôn viên pháp viện Minh Đăng Quang vào ngày 27 tháng 1 năm 2014.
Cây bồ đề lớn tỏa bóng mát ở pháp viện Minh Đăng Quang. Ảnh: vinpearl
Ngoài ra, khu vực khuôn viên cũng là nơi tọa lạc của nhiều bức tượng Phật lớn, các công trình phụ không kém phần tráng lệ cùng những bức tranh được điêu khắc trên đá và gỗ kể về các tích kinh Phật, quá trình hình thành của hệ phái Khất sĩ…Du khách ghé thăm pháp viện chắc chắn không nên bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm tản bộ vãn cảnh và chiêm ngưỡng các tác phẩm Phật giáo ấn tượng.
Tham quan khu vực khuôn viên rộng lớn với nhiều tác phẩm Phật giáo ấn tượng như tranh đá, tượng Phật…Ảnh: ngochan.1602
2.3. Các ngày lễ và hoạt động diễn ra ở pháp viện Minh Đăng Quang
– Đại lễ tưởng niệm Tổ Sư: Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư vắng bóng là một trong những ngày lễ lớn nhất ở pháp viện Minh Đăng Quang. Lễ được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng 2 năm 2014, quy tụ hàng nghìn tín đồ Phật tử về tham dự để tưởng nhớ công ơn to lớn của Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai sơn lập đạo. Đồng thời, đại lễ cũng đánh dấu 70 năm hình thành và phát triển của đạo Phật Khất sĩ tại nước ta.
Pháp viện có những ngày lễ lớn thu hút rất đông người dân, du khách và Phật tử tham dự. Ảnh: neonchicbylee
– Thời giảng pháp: Pháp viện hiện nay có 60 vị tăng đang cư trú và tu học. Sau giờ tụng kinh hàng ngày, các Phật tử và chư tăng sẽ có một tiếng đồng hồ để thiền định, cứ định kỳ mỗi tháng thì sẽ có 4 ngày chủ nhật và 4 ngày sám hối. Hòa thượng Thích Giác Toàn cùng các chư Tôn Đức vào những ngày này sẽ tiến hành giảng pháp trước toàn thể Phật tử.
– Khóa tu học: Khóa tu học là hoạt động ở pháp viện Minh Đăng Quang thu hút rất nhiều Phật tử hoặc những ai có tình yêu với Phật pháp tham gia. Thông thường, các khóa tu ngắn ngày sẽ định kỳ tổ chức vào một ngày chủ nhật trong tháng, thời gian học kéo dài trong cả sáng và chiều. Xuyên suốt quá trình học tập, bạn sẽ được lắng nghe những đạo lý Phật giáo vô cùng gần gũi với đời sống, từ đó tự đúc kết những chân lý, điều hay lẽ phải và bồi dưỡng tâm tính.
Nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm chiêm bái và cầu an trong chuyến du lịch Sài thành thì đừng quên ghé Pháp viện Minh Đăng Quang. Ảnh: meismei_
2.4. Nhà hàng chay
Nhà hàng chay ở pháp viện Minh Đăng Quang có tên là “Thiện Duyên”. Nhà hàng có 2 tầng với sức chứa có thể lên đến hơn 500 khách và tại đây bạn sẽ được khám phá thực đơn hơn 60 món chay hấp dẫn cùng nhiều loại nước uống bổ dưỡng.
Nhà hàng Thiện Duyên sở hữu thực đơn hơn 60 món chay hấp dẫn. Ảnh: YT Tóc Vàng hoe
Nhà hàng Thiện Duyên nằm trong khuôn viên của pháp viện Minh Đăng Quang cũng là nơi tổ chức các bữa tiệc buffet chay vào các ngày rằm, mùng một và những ngày lễ Phật giáo quan trọng.
3. Những lưu ý khi du khách ghé thăm pháp viện Minh Đăng Quang
– Pháp viện mở cửa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, du khách lên kế hoạch ghé thăm địa điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh nên lưu ý thông tin này để sắp xếp thời gian phù hợp.
– Pháp viện Minh Đăng Quang ở Sài Gòn mở cửa đón du khách ghé thăm tham quan miễn phí, kể cả địa điểm giữ phương tiện.
– Pháp viện là không gian thờ cúng thanh tịnh, linh thiêng, du khách ghé thăm chú ý mặc trang phục kín đáo, lịch sự và không gây mất trật tự trong quá trình tham quan, chiêm bái.
Du khách lưu ý mặc trang phục kín đáo, lịch sự khi ghé thăm địa điểm tôn giáo. Ảnh: himijelly
4. Gợi ý những địa điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Bên cạnh pháp viện Minh Đăng Quang, Sài thành còn sở hữu rất nhiều địa điểm du lịch tâm linh ấn tượng khác, du khách có thể note lại để lên kế hoạch tham quan khám phá:
– Chùa Bửu Long: 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, TP. Hồ Chí Minh.
– Chùa Bà Thiên Hậu: Khu trung tâm Chợ Lớn tại số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
– Chùa Giác Lâm: 565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
– Chùa Phổ Quang: 64 Huỳnh Lan Khanh, phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Chùa Bà Thiên Hậu là địa điểm chiêm bái linh thiêng vô cùng nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: nguyenhuynhthanhmy
– Chùa Ông: 676 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
– Nhà thờ Đức Bà: 01 Công Xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
– Nhà thờ Tân Định: Số 289, đường Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
– Tu viện Khánh An: 3D, quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, quận 12, TP. Hồ Chí Minh.
Pháp viện Minh Đăng Quang là một trong những quần thể quần thể kiến trúc Phật giáo tráng lệ bậc nhất tại TP. Hồ Chí Minh. Nếu bạn đang tìm kiếm một điểm chiêm bái, tham quan trong chuyến du lịch Sài thành thì đừng quên thêm tên công trình tôn giáo ấn tượng này vào danh sách “must-go” nhé.
Đỗ Hằng
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
Đăng bởi: Nguyễn Tiến Việt