- Đôi nét về chùa Som Rong của vùng đất Sóc Trăng
- Những công trình đặc sắc nhất của chùa Som Rong
- Bảo tháp
- Chánh điện
- Nhà hội Sala
- Tượng Phật khổng lồ lớn nhất Việt Nam
- Không gian sinh hoạt tôn giáo chùa Som Rong
- Thời điểm tham quan chùa Som Rong phù hợp nhất
- Vị trí chùa Som Rong
- Lưu ý tham quan tại chùa Som Rong
Chùa Khmer ở Nam Bộ là một điều gì đó rất riêng của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long. Cứ hễ một ngôi chùa được dựng nên thì đó là cả công sức của bao thế hệ và con người sinh sống trên vùng đất, bởi chùa là điểm tựa vững chắc cho con người nơi này, nơi thực hành tín ngưỡng thiêng liêng nhất mà họ không bao giờ quên được.
Trong một vài lần về Sóc Trăng cùng những người bạn, chúng mình cùng tham quan chùa Som Rong; ngôi chùa Khmer Nam Tông nổi tiếng nhất Sóc Trăng hiện nay.
Đôi nét về chùa Som Rong của vùng đất Sóc Trăng
Hiện tại, Sóc Trăng là vùng đất đông dân cư đồng bào Khmer sinh sống với những ngôi chùa Khmer đồ sộ, công phu, cùng các công trình Phật giáo mang dấu ấn thế kỷ. Trong hàng trăm ngôi chùa Khmer trên địa bàn thành phố thì chùa Som Rong là cái tên ấn tượng nhất, được nhiều du khách biết đến nhiều nhất vì đây là niềm tự hào to lớn nhất của người dân nơi này.
Chùa Som Rong có tên gọi đầy đủ theo tiếng Khmer là Wat Pătum Wôngsa Som Rông. Nghe người dân kể chùa đã có từ lâu đời trước kia là chùa nhỏ, mái lá đơn sơ đã truyền qua nhiều đời khác nhau.
Đến đời thượng tọa Lý Đức thì cho xây dựng lại chùa mới, khang trang hơn trên nền đất rộng lớn. Năm 2000 chùa bắt đầu xây dựng lại khu chánh điện mới, 2013 xây dựng nhà hội Sala, cùng với đó là bảo tháp và đại công trình tượng Phật nhập niết bàn lớn nhất Việt Nam.
Một số góc công trình tại chùa Som Rong
Với hơn 20 năm xây dựng ngôi chùa Som Rong thì giờ đây chùa trở thành một điểm tựa tâm linh tự hào nhất của con người nơi này. Với du lịch Sóc Trăng thì ngôi chùa này là một điểm tự hào để quảng bá hình ảnh chùa Khmer Nam Bộ, nét đẹp chùa Việt Nam ra thế giới bằng những công trình đỉnh cao.
Những công trình đặc sắc nhất của chùa Som Rong
Dạo bước chùa Som Rong là bạn sẽ thấy ngay sự quy mô kích thước, tỉ mỉ về chi tiết cho mỗi phần công trình hay ấn tượng về những màu sắc được kết hợp.
Bảo tháp
Công trình nằm ngay lối đi vào. Bảo tháp bốn mặt, bốn lối đi lên, ấn tượng với màu trắng xám. Tháp có bảy tầng cao thu dần từ lớn đến nhỏ và bệ tháp có ba tầng, trung tâm tháp là hình ảnh Phật Thích Ca Mâu Ni tọa trên đài sen.
Bảo tháp ấn tượng người du khách bởi sự kì trong điêu khắc, tạo hình mỗi một chi tiết đều rất sống động với hoa sen cách điệu, dây leo chạy theo từng cạnh viền, hoa văn lửa và thiên thần. Ngoài việc nổi bật trong điêu khắc bảo tháp còn điểm tô bằng cờ ngũ sắc vào các ngày lễ lớn.
Chánh điện
Chánh điện nằm đối diện với bảo tháp, bên trái lối đi vào. Chánh điện nghiêm trang hơn với sắc màu nâu đỏ và ánh vàng kim. Chánh điện ngang 5m và dài hơn 20m.
Ấn tượng bên ngoài chánh điện là mảng trang trí rực rỡ, lối đi uốn cong, trụ cột phủ đầy những hoa văn cổ điển, tranh tường về Đức Phật và cuộc sống. Trên đỉnh trước của chánh điện là hình ảnh Đức Phật Đản sanh bước đi trên tòa hoa sen.
Từ bên tháp nhìn về chánh điện
Phía lên chánh điện
Phía lên chánh điện
Góc bên phải chánh điện khá mát mẻ để ngồi nghỉ ngơi, check-in mà ít ai biết nè
Hai bên chánh điện là hai lối hành lang, hành lang bên phải là để nhìn ra bảo tháp, nhìn về nhà Sala và tượng Phật nhập niết bàn; đây là một góc ảnh vô cùng đẹp mà nhiều bạn có thể bỏ qua. Sắp tới khu chánh điện và thư viện chùa cũng được trùng tu mới lại.
Nhà hội Sala
Nhà hội Sala công trình ấn tượng mất hơn bốn năm xây dựng (2013-2017) vô cùng rộng rãi dùng để thực hành các nghi thức sinh hoạt truyền thống của chùa, làm giảng đường và tăng xá.
Kiến trúc nhà hội Sala cũng vô cùng ấn tượng trong mắt du khách vì sự đồ sộ, quy mô và màu sắc. Nhưng ít ai biết rằng đây là công trình này là hoàn toàn dựa vào kiến trúc truyền thống, kết hợp tạo không gian bên trong có kết cấu hiện đại mang nhiều công năng sử dụng.
Nhà hội Sala
Đỉnh mái nhà hội Sala
Nhà hội Sala có hai tầng, nhiều lớp mái, kết hợp nhiều màu sắc nổi bật để tạo nên tính khác biệt. Tận dụng hết tất cả nghệ thuật trang trí truyền thống trông chùa Khmer để điểm tô cho nhà hội Sala.
Từ lối cầu thang bước vào là trang trí thần rồng, áp mái tầng một là hình thần rắn Naga. Áp mái tầng hai là hình nổi Vũ nữ, trên mỗi phần áp mái chim thần Krud, chạy dọc theo phần viền mái ngói là thần rồng, thần chim. Mỗi diềm mái là hình nhọn hình ngọn núi Xôme.
Đỉnh mái chùa có năm bảo tháp song song; trước hai, sau ba, mỗi bảo tháp có năm tầng. Trung tâm là hình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ban phước ngự trên thần rắn chín đầu.
Tượng Phật khổng lồ lớn nhất Việt Nam
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn tại chùa Som Rong là công trình đặc biệt nhất của chùa. Công trình tượng dài 63m, cao 18m được xem là tượng nằm lớn nhất Việt Nam. Nhờ vào công trình này mà chùa được nhiều du khách gần xa biết đến, thu hút du lịch và cũng như các tín đồ của nhiếp ảnh chuyên nghiệp đến đây săn đón những khoảnh khắc.
Các góc chụp đẹp ở đường lên tượng Phật nằm chùa Som Rong
Các phù điêu và họa tiết trang trí ở chùa Som Rong
Không gian sinh hoạt tôn giáo chùa Som Rong
Với người dân đồng bào Khmer việc thực hành nghi lễ luôn là một điều thiêng liêng bậc nhất trong đời sống của họ. Mọi nghi thức quan trọng trong cuộc đời điều thực hiện tại chùa, từ đó chùa trở nên quan trọng, họ luôn đóng góp để xây chùa, chung sức để xây chùa, vì một niềm tin vững chắc vô hình từ tín ngưỡng. Và hằng năm người Khmer có nhiều ngày lễ quan trọng phải thực hiện tại chùa như:
Lễ hội Chol Chnam Thmay – tết cổ truyền của người Khmer: diễn ra theo lịch âm của người Khmer; lễ này thường rơi vào giữa tháng 4 dương lịch.
Lễ hội Đôn ta – lễ cúng ông bà: Nhằm tạ ơn tổ tiên, ông bà, lễ diễn ra vào ngày 15 tháng 10 lịch Khmer.
Lễ dâng y Kathina – Lễ dâng y cà sa: Dâng y để tạo công đức, sự kết nối phước lành cho con người và đấng thiêng liêng.
Lễ hội Ok Om Bok – Đút cốm dẹp, cúng thần mặt trăng: nhằm cảm ơn thần đã ban cho một mùa vụ ấm no, tốt đẹp, lễ hội diễn ra vào 15 tháng 10 âm lịch. Đây là dịp lễ hoành tráng nhất của người Khmer Nam Bộ, vui nhất với nhiều hoạt động hấp dẫn như hát Dù kê, múa lam thôn, múa mặt nạ, múa trống Sadăm, chơi nhạc ngũ âm….
Trong tất cả các dịp lễ ở chùa Khmer Nam bộ thì Lễ hội Ok Om Bok thu hút du khách khắp nơi tìm về vùng đất Sóc Trăng để trải nghiệm ngày hội, vui chơi, thưởng thức ẩm thực…
Thời điểm tham quan chùa Som Rong phù hợp nhất
Vùng đất Sóc Trăng nổi tiếng là nắng cháy, oi bức lẽ đó nên việc chọn thời gian hợp lý để tham quan là tốt nhất. Nếu thời gian trong ngày thì bạn nên chọn đến đây vào lúc 7 đến 9 giờ sáng, chiều từ 3 giờ 30 đến 5 giờ 30 thì sẽ đỡ nắng hơn.
Mùa hè ở đây từ tháng 3 đã tháng 7 là cực nóng. Tháng 8 đến cuối năm thì có mưa lai rai sẽ dịu đi cái nắng nóng hơn. Khi đi đến tham quan chùa Som Rong cũng như các địa điểm khác ở Sóc Trăng bạn nên chuẩn bị trước việc gặp nắng nóng nha.
Vị trí chùa Som Rong
Chùa Som Rong nằm ở số 367, đường Tôn Đức Thắng, phường 5, thành phố Sóc Trăng. Đến chùa thật dễ dàng với định vị trên google maps cùng tên bạn nha!
Khi tham quan tại chùa bạn chạy vào trong và thấy những quán nước, bạn có thể đậu xe nơi đó và vào tham quan. Khi ra bạn mua ủng hộ người bán một ly nước là được.
Lưu ý tham quan tại chùa Som Rong
Có nhiều du khách sẽ chạy thẳng xe vào trong chùa, nhưng mình nghĩ bạn nên gửi xe ở phía trước khu vực bảo tháp. Vì mục đích là không làm ồn, di chuyển tham quan cũng tốt hơn, hạn chế tình trạng xe đậu tràn lan gây mất thẩm mỹ.
Đi lại trong chùa không nên lết dép, đi đứng nhỏ nhẹ, lịch sự trong ăn nói và trang phục kín đáo cũng là một điều rất cần thiết.
Nắng cháy là đặc sản Sóc Trăng nên hãy chuẩn bị thật kĩ việc chống nắng.
Mùa lễ hội Don ta, Chol Chnam Thmay bạn cũng có thể về đây tham dự, trải nghiệm nét văn hóa tín ngưỡng đặc biệt nơi này.
Chùa Som Rong (Wat Pătum Wôngsa Som Rông) một điểm dừng thú vị trên hành trình khám phá du lịch Sóc Trăng với những ngôi chùa cổ kính, thiêng liêng và kiến trúc độc đáo. Khi về Sóc Trăng đừng quên đến tham quan nơi này nha!
Đăng bởi: Hoàng Huyên Lâm Ngọc